Lương Hà Thứ hai, 27/02/2023 07:45 (GMT+7)
Quảng Ninh - Chùa Đồng là địa điểm nổi tiếng nhất trong quần thể di tích danh thắng Yên Tử, là đích đến của mọi tăng ni, phật tử, du khách thập phương khi hành hương về đất thiêng Yên Tử.
Chùa Đồng còn có tên Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật) nằm ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử, ở độ cao 1.068m so với mực nước biển. Đây là ngôi chùa trên đỉnh núi được làm bằng đồng lớn nhất Châu Á. Chùa đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, đến ngày 3.6.2006 dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Phật học, Đại Đức Thích Thanh Quyết (Thượng tọa Thích Thanh Quyết) và Ban Quản lý Dự án chùa Đồng, bằng công đức của du khách, phật tử thập phương trong và ngoài nước đã khởi lễ đúc chùa Đồng theo mẫu thiết kế của kiến trúc sư Trần Quốc Tuấn – Viện Bảo Tồn Di Tích. Theo đó, chùa đã được các nghệ nhân nổi tiếng đúc đồng ở Ý Yên, Nam Định thực hiện, đúc theo nguyên mẫu của chùa Dâu Keo (Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Diện tích của chùa Đồng Yên Tử gần 20 m vuông, nặng 70 tấn, dài 4,6m, rộng 3,6m và chiều cao từ cột nền tới mái là 3,35m. Trong đó, mỗi viên ngói nặng khoảng 4 kg, 4 cột chùa mỗi cột nặng 1 tấn. Quả chuông và khánh đồng nặng trên 250kg. Chùa có kiến trúc hình khối vuông bốn mái, mái có hình ngói mũi hài, bờ nóc bờ dải không trang trí, hai đầu bờ nóc cùng bốn đầu đao là hình đầu rồng mang phong cách thời Trần. Phần mái của chùa vươn ra bốn phía tạo thành hiên. Ba mặt của chùa là các ván đồng ghép khít lại với nhau tạo thành bức vách. Phần dưới của bức vách có trang trí dải hoa văn hình lá lật. Mặt trước hiên chùa có hành lang, lan can là các chấn song hình thân trúc. Hệ thống tượng Phật trong chùa gồm 1 pho tượng Phật Thích Ca và 3 pho tượng Tam Tổ Trúc Lâm. Tượng có kích thước cao trung bình từ 0,45 - 0,87m tọa trên đài sen. Nhiều du khách đến với chùa đồng chen chân nhau để có thể đặt tay vào chùa lấy may. Vượt hơn 100km từ Hà Nội về chiêm bái đất phật trên đỉnh thiêng Yên Tử, chị Thu Hà - chia sẻ: “Hầu như năm nào cũng vậy, cứ đầu xuân là tôi lại trở về Yên Tử lễ phật. Cũng nghe mọi người truyền tai nhau dùng tiền rồi xoa tay lên chùa Đồng Yên Tử sẽ được may mắn nhưng tôi không làm như vậy. Và để lấy may, tôi chỉ để tay lên chùa và thành tâm xin lộc thôi là cảm thấy hài lòng rồi.” Trước đây, để lên chùa Đồng chỉ có cách duy nhất là đi bộ, phải vượt qua hàng nghìn bậc đá, đường rừng núi trên quãng đường dài khoảng 6km. Nhưng những năm gần đây, Ban quản lý khu danh thắng Yên Tử đã đưa vào sử dụng cáp treo giúp du khách thập phương dễ dàng chinh phục chùa Đồng. Ngồi trên cáp treo, du khách có thể ngắm nhìn núi non Yên Tử từ trên cao, sau đó tiếp tục đi bộ chinh phục non thiêng Yên Tử. Bình luận:
Bạn nghĩ gì về nội dung này?
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận.
Gửi bình luận